Chọn ngành nghề phù hợp với bản thân để tìm ra chính mình

bí kíp chọn ngành nghề phù hợp
bí kíp chọn ngành nghề phù hợp

Chọn ngành nghề phù hợp cho bản thân luôn là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt đối với các bạn học sinh cuối cấp, sắp bước vào đại học.

Tuy vậy việc này chưa bao giờ dễ dàng, trên thực tế đang có không ít các bạn sau khi tốt nghiệp rơi vào cảnh thất nghiệp, không tìm được hướng đi cho mình.

Phải nói rằng việc tìm được một ngành nghề phù hợp giống như lựa chọn tương lai mình sẽ như thế nào vậy.

Ngành học đó sẽ mang đến cho bạn một cái nghề để nuôi sống bạn sau này, do đó cần phải thật sự nghiêm túc và xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Bài viết này sẽ đúc kết những bí kíp cụ thể nhằm hướng dẫn bạn chọn ra ngành nghề phù hợp với bản thân và tìm ra được chính mình nhé!

1. Cơ sở để lựa chọn ngành nghề 

Bao gồm tất cả bốn cơ sở chính mà bạn có thể dựa vào để đưa ra lựa chọn ngành nghề. Nội dung từng cơ sở được trình bày rõ ràng dưới đây: 

Dựa trên năng lực bản thân

Mỗi người chúng ta đều có năng lực, thế mạnh riêng biệt và một phần điều này cũng là yếu tố cho thấy bạn có phù hợp với một ngành nghề nào đó cụ thể hay không. Năng lực ở đây bao gồm về trí tuệ, thể chất, kỹ năng mềm,…

Khi bạn được phát triển ở công việc liên quan đến thế mạnh của mình thì chắc chắn nó sẽ làm bạn thấy vui vẻ, phấn khởi hơn và sớm gặt hái kết quả thành công.

Ngược lại nếu ngành bạn đang theo học yêu cầu quá cao mà bạn không đủ khả năng đáp ứng hoặc tiêu chuẩn thấp làm bạn chủ quan, dửng dưng với việc học thì kết quả đều là con số 0 dù đã rất tốn thời gian và công sức. 

Vậy nên việc hiểu được năng lực của mình đang ở mức nào là vô cùng cần thiết. Tốt hơn nữa bạn nên đưa ra những ưu điểm, khả năng của mình mà tập trung vào rèn luyện, phát triển chúng mạnh hơn.

Ví dụ như thế mạnh của bạn là môn Toán thì hãy tập trung học Toán nhiều hơn một chút và chọn ngành nghề có liên quan đến các con số để thu hút bạn hơn nhé! 

Dựa trên sở thích cá nhân

Đây là một cơ sở nên được quan tâm hàng đầu nhưng gần như các bạn học sinh đều bỏ qua sở thích của chính mình mà chọn theo xu hướng hoặc mong muốn của bố mẹ.

Muốn lựa chọn một ngành nghề để gắn bó lâu dài thì trước tiên bạn phải cảm thấy hứng thú với nó. Và để biết được sở thích của mình, bạn cần dành thời gian để quan sát chính bản thân, suy nghĩ về tính cách của mình.

Chẳng hạn như bạn yêu thích cái đẹp có thể lựa chọn ngành thiết kế thời trang, make up, spa. Hoặc thích khám phá những thiết bị công nghệ mới nên tìm hiểu về ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính,… 

Nên nhớ rằng chỉ có niềm yêu thích mới giúp bạn vượt qua những khó khăn trong việc học cũng như làm nghề sau này. Còn chưa kể lòng say mê là động lực thúc đẩy bạn tự rèn luyện, bồi dưỡng thêm kiến thức cũng như kỹ năng để tiến xa hơn trong con đường sự nghiệp đấy!

Dựa trên nhu cầu của xã hội

Nhu cầu của xã hội là yếu tố không thể bỏ qua khi ra quyết định lựa chọn ngành nghề. Bạn cần phải xem xét nghề nghiệp đó đang có xu hướng về nhân lực như thế nào, liệu khi bạn ra trường thì mức độ tuyển dụng còn cao hay không?

Bên cạnh đó, trong tương lai nghề này có được trọng dụng không, tức là xem xét về tính bền vững của nó.

Tốt hơn nữa bạn cũng nên nghiên cứu để thấy được xã hội đang phát triển mạnh mẽ về lĩnh vực nào, thì những nghề liên quan đến lĩnh vực đó nằm trong nhu cầu xã hội.

Ví dụ như những năm trở lại đây các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki đang gần như phủ sóng lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Do đó không ít bạn trẻ đã nắm bắt được điều này mà hướng tới việc học ngành thương mại điện tử.

Cơ sở này là cần thiết để bạn có thể định hướng được sở thích cũng như khả năng của mình. Nếu nhất nhất chọn theo hai cơ sở trên trong khi xã hội không còn nhu cầu nhân lực ngành nghề đó nữa thì bạn cũng dễ gặp phải khó khăn về đầu ra.

Dựa trên điều kiện của gia đình

Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó chính là điều kiện tài chính, gia cảnh gia đình.

Mỗi ngôi trường sẽ có mức học phí khác nhau vì vậy bạn cần phải hiểu rõ tình hình kinh tế của gia đình mình để đưa ra lựa chọn.

Ngoài ra việc chọn bậc học là trung cấp, cao đẳng hay đại học cũng nên cân nhắc. Nếu mong muốn rút ngắn thời gian học, có việc làm nhanh chóng để phụ giúp gia đình thì nên lựa chọn trung cấp hoặc cao đẳng nhé!

Mặt khác, nếu bạn sinh ra trong một gia đình có truyền thống một ngành nào đó và bố mẹ cũng định hướng cho bạn theo học nó thì bạn nên cân bằng giữa sở thích riêng mình và tác động từ gia đình. 

2. Các bước chọn lựa ngành nghề phù hợp

Bước 1: Tìm hiểu điểm mạnh và sở thích của cá nhân

Trước tiên bạn nên lập một danh sách cụ thể những điểm mạnh của mình và xếp hạng thứ tự các sở thích. Nhưng trên thực tế nhiều bạn trẻ vẫn loay hoay không biết ưu điểm và đam mê thực sự của mình là gì.

Nếu vậy bạn có thể tìm những bài trắc nghiệm về tính cách, trắc nghiệm về nghề nghiệp để làm thử nhé! Những bài trắc nghiệm này phần nào sẽ đưa ra được sự tư vấn, dự đoán về nhóm ngành nghề phù hợp với bạn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tự ngẫm lại mình, quan sát bản thân, nhớ lại những công việc từng làm trước đây mà làm bạn hứng thú.

Sau đó tương ứng với mỗi điểm mạnh, sở thích cần xác định một vài ngành nghề liên quan. Ví dụ như khi học cấp 3 bạn từng làm thủ quỹ lớp và bạn yêu thích công việc kiểm soát dòng tiền, lên kế hoạch chi tiêu.

Điều này có thể dẫn tới bạn phù hợp với ngành kế toán, tài chính. Hoặc bạn từng làm lớp trưởng, nhận thấy mình có khả năng xử lý vấn đề, thuyết phục người khác thì ngành nghề phù hợp có thể nằm trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể như quản trị kinh doanh.

Bước 2: Khám phá tất cả thông tin liên quan đến ngành nghề mà mình thích

Từ những ngành nghề đã liệt kê phía trên, bạn cần bắt tay vào tìm hiểu chi tiết từng ngành để trả lời các câu hỏi tiêu biểu như sau:

  • Tên ngành học và tên các nghề có thể ra làm sau khi tốt nghiệp  
  • Kỹ năng và phẩm chất cần có của các công việc 
  • Mục tiêu đào tạo của ngành nghề
  • Nhu cầu tuyển nhân lực của ngành, nó có phải là nhu cầu của xã hội không? 
  • Đánh giá xu hướng phát triển của ngành nghề trong tương lai
  • Danh sách trường có đào tạo, điểm đầu vào và học phí
  • Và một số các câu hỏi khác 

Bước 3: Cân nhắc và đưa ra quyết định

Chắc chắn rằng sau khi tìm hiểu những thông tin trên bạn cũng đã dần hiểu rõ hơn về mỗi ngành và nhận ra được ngành nào phù hợp với mình.

Từ các dữ liệu đã tổng hợp này, bạn đọc thật kỹ nhiều lần và từ từ thu hẹp các lựa chọn của mình. Từ một danh sách đầy ắp ngành nghề và công việc khác nhau bạn đầu, bạn sẽ chắt lọc được những các thực sự phù hợp nhất. Cuối cùng là đưa ra quyết định và điền vào hồ sơ nguyện vọng. 

3. Lời kết

Hy vọng bài viết trên đây sẽ là giúp bạn định hướng rõ ràng hơn trong việc chọn ngành nghề của mình.

Một khi đã quyết định đúng ngành nghề dành cho mình, chắc chắn bạn sẽ phát huy được sức mạnh của bản thân, ngày càng đi xa hơn nữa. Và điều này không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn mang tính xây dựng đối với xã hội. Nhưng bên cạnh đó cũng đừng quên đặt ra kế hoạch học tập hiệu quả để có thể chạm tới ước mơ của mình nhé!

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*